Thủ tục làm sổ hồng chung cư và những lưu ý quan trọng
Trần Thị Phương Linh
11:39 13/04/2021
Sổ hồng chung cư là khái niệm hết sức quen thuộc với người dân hiện nay, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa, bùng nổ chung cư cao tầng tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Nhiều trường hợp khách hàng đã thanh toán hết tiền mua căn hộ nhưng vẫn không được chủ đầu tư dự án làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Điều này dẫn tới tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp kéo dài giữa người mua nhà và chủ đầu tư.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi mua căn hộ chung cư, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ lưỡng, nắm rõ những vấn đề pháp lý liên quan tới nhà chung cư như điều kiện cấp sổ hồng cho chung cư, các bước làm sổ hồng chung cư, lệ phí làm sổ hồng nhà chung cư, chung cư chưa có sổ hồng có làm hộ khẩu được không?...
Sổ hồng chung cư là gì?
Sổ hồng là tên gọi "dân dã" mà người Việt Nam thường dùng khi nói đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Sổ có bìa màu hồng, được ban hành bởi Bộ Xây dựng. Sổ hồng căn hộ chung cư chính là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chung cư, gọi chung là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Có nghĩa là, nếu bạn sở hữu nhà chung cư nhưng không sở hữu đất thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và sở hữu nhà ở - sổ hồng chung cư.
Sổ hồng nhà chung cư được xem là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa sổ hồng và sổ đỏ là, sổ đỏ có phạm vi ghi nhận quyền sử dụng đất rất đa dạng, đó có thể là đất rừng, đất ao, vườn, đất nông nghiệp, đất ở... Còn phạm vi ghi nhận ở sổ hồng là sở hữu nhà ở hoặc sử dụng đất ở, không có loại đất khác. Trong sổ hồng sẽ ghi rõ sử dụng đất ở thuộc sở hữu chung hay riêng, sở hữu nhà ở ra sao...
|
Nếu chưa có sổ hồng chung cư thì chủ sở hữu căn hộ chưa thể bán hay tặng cho. |
Thông thường, sổ hồng căn hộ có 4 mặt, mỗi mặt sẽ ghi những nội dung cụ thể liên quan tới căn hộ chung cư và chủ sở hữu.
- Mặt 1: Tên của sổ và thông tin của chủ sở hữu căn hộ chung cư.
- Mặt 2: Thông tin chi tiết của căn hộ gồm số hiệu căn tầng, diện tích căn hộ, vị trí tòa nhà chung cư...
- Mặt 3: Thể hiện sơ đồ và vị trí căn hộ chung cư.
- Mặt 4: Những nội dung thay đổi, xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Mua chung cư sau bao lâu sẽ có sổ hồng?
Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư sau khi bàn giao căn hộ cho khách hàng sẽ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cấp sổ hồng cho chủ sở hữu căn hộ. Vậy mua nhà chung cư sau bao lâu mới được nhận sổ hồng?
Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được quy định rõ tại Khoản 7, Điều 26, Luật Nhà ở năm 2014: Trong thời hạn 50 ngày tính từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì chủ đầu tư sẽ phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng (ngoại trừ trường hợp người thuê mua, người mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận).
Theo Khoản 4, Điều 13, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, trong thời hạn 50 ngày tính từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng cho bên thuê mua, bên mua (ngoại trừ trường hợp bên thuê mua, bên mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận).
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì trong vòng 50 ngày tính từ ngày bàn giao căn hộ cho người mua nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Thực tế cho thấy, thời hạn nhận sổ hồng chung cư của người mua căn hộ phụ thuộc vào việc chủ đầu tư có thực hiện đúng thời hạn phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận hay không.
Theo đó, trường hợp chủ đầu tư thực hiện đúng quy định nêu trên thì thời hạn tối đa để có Giấy chứng nhận là 50 ngày cộng với thời hạn giải quyết thủ tục của cơ quan nhà nước tối đa là 15 ngày làm việc. Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng thời hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tức chủ dự án phải nộp tiền phạt cho nhà nước, còn người mua căn hộ chậm nhận sổ hồng.
|
Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng. |
Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì trong vòng 50 ngày tính từ ngày bàn giao căn hộ cho người mua nhà chung cư và người mua đã thanh toán đủ tiền, chủ đầu tư dự án nhà ở có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Điều kiện làm sổ hồng nhà chung cư
Theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014 hiện hành, điều kiện để được cấp sổ hồng căn hộ chung cư như sau:
- Có hợp đồng mua bán căn hộ chung cư đã ký kết giữa chủ nhà và chủ đầu tư, có đầy đủ biên lai chứng từ nộp tiền.
- Chủ sở hữu nhà chung cư đã hoàn thành việc thanh toán tiền mua căn hộ đã thị trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
- Đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận do chủ đầu tư cấp.
- Giấy tờ tùy thân của chủ sở hữu căn hộ: Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân, hộ khẩu bản sao có công chứng, giấy đăng ký kết hôn bản sao có công chứng (nếu chủ căn hộ là cặp vợ chồng), giấy xác nhận tình trạng độc thân (nếu chủ sở hữu căn hộ là người độc thân).
Các bước làm sổ hồng chung cư
Hồ sơ, thủ tục làm sổ hồng chung cư thường do chủ đầu tư thực hiện. Thế nhưng, nếu có văn bản đề nghị của chủ đầu tư, người mua nhà vẫn có thể tự mình làm thủ tục xin cấp sổ hồng nhà chung cư.
Kiểm tra hiện trạng nhà đất và điều kiện chuyển nhượng
Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà trong các dự án phát triển nhà ở cần phải kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, công trình, nhà ở đã xây dựng cũng như điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở của chủ dự án. Quy trình cụ thể như sau:
- Bước 1: Chủ đầu tư gửi hồ sơ tới Sở Tài nguyên và Môi trường
Theo Khoản 1, Điều 72, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở sau khi hoàn thành công trình có trách nhiệm gửi các giấy tờ sau tới Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500
- Quyết định phê duyệt dự án/quyết định đầu tư/giấy phép đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư.
- Giấy phép xây dựng (nếu có).
- Sơ đồ nhà, đất đã xây dựng: Bản vẽ mặt bằng hoàn công/bản vẽ thiết kế mặt bằng có kích thước các cạnh của từng căn hộ đã bán phù hợp hiện trạng xây dựng cũng như hợp đồng đã ký.
- Danh sách các căn hộ với thông tin số hiệu căn hộ, diện tích đất, diện tích xây dựng, diện tích sử dụng chung và riêng của từng căn hộ.
Đối với nhà chung cư, sơ đồ phải thể hiện phạm vi (diện tích, kích thước) phần đất dùng chung của các chủ căn hộ, mặt bằng xây dựng nhà chung cư và mặt bằng từng tầng, từng căn.
- Giấy chứng nhận/quyết định cho thuê đất, giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, ngoại trừ trường hợp được miễn/chậm nộp theo luật định.
- Báo cáo kết quả thực hiện dự án nhà ở.
|
Hồ sơ, thủ tục làm sổ hồng chung cư thường do chủ đầu tư thực hiện. |
- Bước 2: Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hiện trạng và điều kiện chuyển nhượng
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 72, Nghị định 43/2014/NĐ-CP được bổ sung, sửa đổi bởi Khoản 46, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, trong vòng 30 ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra hiện trạng sử dụng đất ở, nhà ở, công trình đã xây dựng, điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán nhà ở của chủ dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi hoàn thành việc kiểm tra sẽ thông báo cho chủ đầu tư kết quả kiểm tra. Đối với những trường hợp đủ kiều kiện, Sở sẽ gửi thông báo kèm hồ sơ nhà đất đã kiểm tra cho Văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục đăng ký nhà đất cho người mua nhà.
Mặt khác, cơ quan này cũng sẽ công khai kết quả kiểm tra trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh nơi có nhà đất, website của Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất.
Hồ sơ, thủ tục làm sổ hồng chung cư
Sau khâu kiểm tra hiện trạng và điều kiện chuyển nhượng nêu trên sẽ tới bước chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục làm sổ hồng cho căn hộ chung cư.
- Hồ sơ làm sổ hồng chung cư
Khoản 3, Điều 72, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Khoản 5, Điều 8, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định rõ về hồ sơ làm sổ hồng căn hộ chung cư. Cụ thể, chủ đầu tư dự án nhà ở sẽ nộp một bộ hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng hoặc cung cấp hồ sơ cho bên mua để người mua nhà tự đi đăng ký. Hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn theo Mẫu số 04a/ĐK.
- Biên bản bàn giao nhà, đất, công trình xây dựng.
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở, công trình xây dựng theo luật định.
- Trình tự các bước làm sổ hồng chung cư
- Bước 1: Chủ đầu tư hoặc người mua nhà nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh, thường là bộ phận 1 cửa.
- Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ làm sổ hồng chung cư. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ và chưa đầy đủ, cơ quan tiếp nhận phải thông báo, hướng dẫn người dân nộp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật.
- Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện những việc sau:
+ Kiểm tra giấy tờ pháp lý trong hồ sơ làm sổ hồng, xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện cấp sổ hồng vào đơn đăng ký trong hồ sơ.
+ Chuẩn bị hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng.
+ Yêu cầu chủ đầu tư nộp Giấy chứng nhận đã được cấp để chỉnh lý vào hồ sơ định chính và cơ sở dữ liệu đất đai.
+ Cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có).
+ Gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có).
- Bước 4: Văn phòng đăng ký đất đai trao trả sổ hồng cho người được cấp trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc tính từ ngày có kết quả giải quyết hồ sơ xin cấp sổ hồng chung cư.
Thời hạn giải quyết hồ sơ
Về thời hạn giải quyết hồ sơ, Khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định, UBND cấp tỉnh sẽ quy định thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận nhưng không quá 15 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Lưu ý, thời hạn trên không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo luật định; cũng không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã và thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Đồng thời, thời hạn này cũng không tính thời gian xem xét xử lý với những trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật và thời gian trưng cầu giám định.
Lệ phí làm sổ hồng nhà chung cư
Những khoản phí và lệ phí mà chủ sở hữu căn hộ phải nộp khi làm thủ tục xin cấp sổ hồng gồm phí xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, phí trước bạ, phí công chứng, phí thẩm định, phí trích đo...
Lệ phí trước bạ
Khoản phí này thường do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi bạn mua chung cư ban hành. Phí trước bạ bằng 0,5% nhân với (giá trị nhà + giá trị đất).
|
Làm sổ hồng chung cư phải đóng các khoản phí như phí trước bạ, phí công chứng hợp đồng mua bán chuyển nhượng, phí thẩm định, trích đo... |
Phí công chứng hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng
Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định như sau:
- Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch từ 50-100 triệu đồng, mức thu là 80.000 đồng.
- Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, mức thu là 0,08% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng.
- Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch từ 1-3 tỷ đồng, mức thu là 800.000 đồng cộng với 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 1 tỷ đồng.
- Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch từ 3-5 tỷ đồng, mức thu là 2 triệu đồng cộng với 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 3 tỷ đồng.
- Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch từ 5-10 tỷ đồng, mức thu là 3 triệu động cộng với 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 5 tỷ đồng.
- Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch trên 10 tỷ đồng, mức thu là 5 triệu đồng cộng với 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng (mức thu tối đa là 8 triệu đồng/trường hợp).
Phí xin cấp Giấy chứng nhận
Thông tư 02/2014/TT-BTC quy định về khoản phí, lệ phí được ban hành bởi Hội đồng nhân dân tỉnh như sau:
- Mức thu tối đa áp dụng với cá nhân, hộ gia đình tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh:
+ Đối với cấp mới: Mức thu tối đa 100.000 đồng/giấy.
+ Đối với cấp lại, cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận: Mức thu tối đa 50.000 đồng/lần.
Vì sao có nhiều trường hợp sổ hồng chung cư không được cấp đúng hạn?
Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp sổ hồng căn hộ chung cư không được cấp đúng thời hạn theo quy định hiện hành. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này gồm:
- Chủ đầu tư dự án chung cư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng vẫn xây dựng và rao bán nhà ở.
- Chủ đầu tư dự án chung cư chậm nộp hồ sơ xin cấp sổ hồng cho căn hộ.
- Chủ đầu tư dự án nhà ở xin cấp sổ hồng nhưng lại chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
- Chủ đầu tư thế chấp dự án tại ngân hàng trước khi xin cấp sổ hồng cho người mua nhà và chưa thực hiện thủ tục giải chấp. Trong trường hợp này, chủ đầu tư không đủ hồ sơ để xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định hiện hành.
- Chủ đầu tư chậm hoàn công hoặc không thể hoàn công vì xây dựng sai bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cơ quan nhà nước sẽ không cấp sổ hồng cho căn hộ khi chưa hoàn công hoặc dự án xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế được duyệt.
- Đất xây dựng nhà chung cư là đất chuyển mục đích sử dụng đất trái phép theo quy định tại Điều 34, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định trường hợp này không được cấp Giấy chứng nhận.
- Xây dựng lấn chiếm mốc bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật theo Điều 35 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP quy định trường hợp này không được cấp Giấy chứng nhận.
Làm gì khi nhà chung cư bị chậm cấp sổ hồng?
Nếu chung cư chưa có sổ hồng thì chủ sở hữu không thể tặng cho hoặc bán lại. Việc chung cư bị chậm cấp sổ hồng có thể do phía chủ đầu tư dự án nhà ở hoặc cơ quan nhà nước.
|
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người mua nhà nên nắm rõ trình tự các bước làm sổ hồng chung cư và cách xử lý khi bị chậm cấp sổ hồng. |
Chủ đầu tư dự án chậm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận
Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 50 ngày tính từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng cho người mua (ngoại trừ trường hợp người mua tự nguyện thực hiện). Nếu chủ đầu tư chậm làm thủ tục xin cấp sổ hồng, chủ sở hữu căn hộ làm đơn kiến nghị với UBND cấp có thẩm quyền hoặc thanh tra xây dựng để xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư.
Điều 31 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/1/2020 nêu rõ: Chủ đầu tư dự án nhà ở không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà hoặc không cung cấp/cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua nhà tự nộp hồ sơ xin cấp sổ hồng, sổ đỏ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Hình thức, mức xử phạt tương ứng với thời gian, mức độ vi phạm, cụ thể:
- Từ 50 ngày tới 6 tháng: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng
- Từ 6-9 tháng: Phạt tiền từ 30-300 triệu đồng
- Từ 9-12 tháng: Phạt tiền từ 50-500 triệu đồng
- Từ 12 tháng trở lên: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Bên cạnh việc nộp phạt, chủ đầu tư còn phải nộp hồ sơ/cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua nhà trong trường hợp chủ sở hữu căn hộ tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp sổ hồng chung cư.
Lưu ý, thời gian vi phạm nêu trên được tính từ ngày chủ đầu tư dự án bàn giao nhà cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên mua thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Nếu chủ đầu tư đã khắc phục sai phạm sau thời hạn quy định (50 ngày) thì thời gian vi phạm sẽ được tính đến ngày chủ đầu tư khắc phục sai phạm.
Nếu trong một dự án, chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ khác nhau thì tiền phạt tính theo từng mức phạt, tuy nhiên tổng số tiền phạt không được vượt quá 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, nếu trong hợp đồng có điều khoản phạt chậm cấp sổ hồng hoặc người mua có thiệt hại do việc chậm làm sổ hồng thì người mua nhà yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo những điều khoản đã thỏa thuận đó hoặc khởi kiện.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm cấp Giấy chứng nhận
Đối với trường hợp người mua nhà tự thực hiện thủ tục làm sổ hồng nhà chung cư, thời hạn cấp sổ hồng không quá 15 ngày làm việc theo Khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP. Thời hạn này không bao gồm ngày nghỉ, ngày lễ, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp sồ hồng sẽ ghi rõ hạn trả kết quả cho người dân.
Tuy nhiên, trường hợp quá thời hạn mà cơ quan nhà nước chưa giải quyết thì người dân có quyền khiếu nại và khởi kiện quyết định hành chính, vi phạm hành chính.
Với những thông tin tổng quan về hồ sơ, thủ tục làm sổ hồng chung cư và những vấn đề cần lưu ý mà Dothi.net chia sẻ trên đây, người mua nhà sẽ nắm rõ quy trình các bước làm sổ hồng căn hộ trong trường hợp tự mình làm thủ tục này. Đồng thời, biết cách xử lý khi chủ đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm cấp sổ hồng nhà chung cư.
Theo Lam Giang (thanhnienviet.vn)