Trần Vũ An 08:00 07/08/2021
Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành dài 68,7km sẽ chia làm hai đoạn gồm đoạn nối cao tốc có điểm đầu tại tại nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM), điểm cuối tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP. HCM) và đoạn cao tốc có điểm đầu tại nút giao An Phú, điểm cuối tại điểm giao quốc lộ 14 tại huyện Chơn Thành (Bình Phước).
Hướng tuyến cao tốc được đề xuất đi dọc tỉnh lộ 43 (thuộc TP Thủ Đức) rồi rẽ phải theo đường tỉnh 743B, 743A, 747B, tới trước cầu Khánh Vân chuyển hướng và đi men theo Suối Cái, cắt đường tỉnh 747A tại Cổng Xanh. Sau đó cao tốc đi song song đường tỉnh 741 đến huyện Phú Giáo (Bình Dương) rồi hướng thẳng lên phía bắc giáp phía đông khu công nghiệp Becamex Bình Phước để kết nối với quốc lộ 14.
Dự án được phân kì thành 2 giai đoạn để đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 8,6 km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú (TP.HCM) theo quy mô 10 làn xe, đoạn còn lại quy mô 4 làn xe.
Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức PPP với tổng kinh phí dự kiến là 24.274 tỉ đồng gồm nguồn vốn của Nhà nước 12.137 tỉ đồng và 12.138 tỉ đồng từ vốn nhà đầu tư huy động.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM báo cáo HĐND tỉnh để thống nhất giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Thủ tướng yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm chi trả chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của từng địa phương. Việc hỗ trợ ngân sách trung ương cho dự án cao tốc phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần. Dự án phải bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đang nhận được sự quan tâm rất lớn bởi vai trò và sức ảnh hưởng của nó với sự phát triển kinh tế xã hội những địa bàn nó đi qua. Tuyến cao tốc này khi hình thành sẽ kết nối xuyên suốt TP.HCM với Bình Dương và Bình Phước giúp rút ngắn thời gian di chuyển so với hiện nay, tăng cường kết nối, hiệu quả luân chuyển hàng hoá giữa 3 địa phương nói riêng cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Tây Nguyên nói chung.
Với thị trường bất động sản tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được ví như lực đẩy cho sự phát triển, đặc biệt đối với khu vực Bình Dương và Bình Phước.
Trong thời gian vừa qua, Chơn Thành là một trong những khu vực bất động sản rất nhộn nhịp. Hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn đã và đang được phát triển ở đây bên cạnh thị trường đất nền nhỏ lẻ sôi sục. Nhiều nhà đầu tư đổ về khu vực này bởi ngoài tiềm năng về khu công nghiệp thì cơ sở hạ tầng trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được kỳ vọng giúp giá nhà đất ở đây tăng đột biến.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của CafeLand, bên cạnh những dự án bất động sản được đầu tư bài bản, có tầm nhìn dài hạn thì ở Chơn Thành đang có không ít dự án nhỏ lẻ, phân lô bán nền và những người tham gia thị trường với tâm lý đầu cơ lướt sóng ăn theo cao tốc. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhà đất khu vực này thời gian qua liên tục trải qua nhiều cơn “nóng sốt”.
Theo Cafeland.vn
————————
Bank2Go - One Stop Home Solution
📞 0815 575 777(miễn phí)
☎️ 1800 6356 (miễn phí)
✉️ support@bank2go.vn
🌐 https://bank2go.vn